'Học sinh phải đi học thêm, nhưng có thu được kết quả tương xứng?”
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, rất khó để kiểm soát, đảm bảo những học sinh tham gia học thêm sẽ thu hoạch được chất lượng như mong muốn.
Trao đổi với VietNamNet , PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh.
Ở phổ thông, bất cứ chương trình giáo dục nào cũng không thể đáp ứng hết các nhu cầu của học sinh, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay - khi sự phân hóa, phát triển năng lực học sinh trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, dạy thêm, học thêm lại trở thành vấn đề không theo lẽ thông thường. “Việc này phổ biến đến mức rất hiếm học sinh nào không đi học thêm. Thậm chí thành câu cửa miệng quen thuộc: ‘Không đi học thêm thì thế này, thế kia’. Cũng nhiều người nhận định việc dạy thêm, học thêm của chúng ta đã bị biến tướng, khó quản lý, sai về mục đích và ý nghĩa”, bà Thơ nói.
Theo bà Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, bà cho rằng một phần đến từ điều kiện dạy học trong các nhà trường hiện chưa được đáp ứng đầy đủ.
“Chúng ta còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, đội ngũ chất lượng để đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện đạt yêu cầu đặt ra đối với hầu hết học sinh. Ngoài ra, sự kỳ vọng quá mức dẫn đến việc 'đua học' - cũng là tâm lý của rất nhiều phụ huynh. Trong khi dạy học sinh tự học và tự chủ là điều chúng ta chưa bao giờ tự tin.
Chính vì vậy, khi học sinh tham gia vào những kỳ thi vượt chuẩn so với chương trình thông thường, các gia đình và nhiều thầy cô cho rằng cần học thêm, chứ không thể tự lực học đạt được”, bà Thơ nói.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, kể cả khi có thông tư mới (Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo) thay thế Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm, đây vẫn là chủ đề nóng bỏng thời gian tới, bởi những điều căn cốt nhất của việc dạy thêm, học thêm, chúng ta vẫn chưa thể quản lý được.
"Việc đầu tư cho các trường về cả cơ sở vật chất lẫn nguồn lực con người chưa được đảm bảo. Chính vì vậy, nhiều người vẫn thiếu niềm tin vào chất lượng dạy học chính khóa. Chưa kể, mối quan hệ dạy thêm và học thêm không chỉ ở mục đích hướng đến phát triển người học mà thực tế còn cả lợi ích kinh tế và nhiều ràng buộc khác. Vì vậy, chắc chắn việc này sẽ rất khó quản lý”, bà Thơ nói.
Bà cho rằng, dự thảo thông tư đang được Bộ GD-ĐT xây dựng chưa thể hiện rõ làm sao đảm bảo chương trình của việc học thêm không bị chồng chéo, hay nội dung kiến thức không xuất hiện ở cả học trong và ngoài trường.
“Những ranh giới như thế rất khó xác định, đặc biệt nếu nội dung học thêm, dạy thêm chỉ tập trung vào những kiến thức để rèn luyện thêm nhận thức và kỹ năng cho các em trong phạm vi của các môn học. Hay với các chương trình dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, bên nào sẽ đứng ra để phê duyệt, thẩm định năng lực giáo viên, tổ chức đảm bảo được việc bổ trợ đúng mục đích khi tham gia học thêm?”, bà Thơ nói.
Theo bà, dự thảo thông tư đang quy định mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa phụ huynh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
“Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo rằng các học sinh 'mất phí, trả tiền' học thêm sẽ thu hoạch được chất lượng như mong muốn? Khi thực hiện những nghiên cứu về đánh giá tác động, chúng tôi vẫn hay nói vui: Với lĩnh vực dạy thêm, học thêm, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ bị buông lỏng.
Hiện nay chưa thấy cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm đối với người học. Những điều này sẽ phát sinh và chắc chắn được những người có liên quan và xã hội rất quan tâm nhưng có thể cơ quan được giao quản lý trực tiếp lại không thể giải quyết”, bà Thơ nói.
Bên cạnh đó, theo bà, cũng khó quản lý được sự chính trực và đạo đức của giáo viên dạy thêm trong khi đây là những yếu tố để đảm bảo tách biệt kiến thức nào đưa vào dạy thêm và không dạy thêm.
"Hiện nay, hầu hết các trường THPT đều có hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường. Nếu kiến thức bị trùng với các trung tâm bên ngoài vô tình khiến trẻ rơi vào cảnh học ‘nhai đi nhai lại’ nhiều lần. Hay một giáo viên có thể tham gia dạy thêm ở nhiều cơ sở, làm thế nào để kiểm soát được?”, bà Thơ trăn trở.
Tuy nhiên, bà cho rằng cần nhìn nhận từ hai phía. Bất cập cũng nảy sinh từ tâm lý của các phụ huynh.
“Tôi từng phỏng vấn, nghiên cứu rất nhiều trường hợp giáo viên chưa từng làm việc gì có ý ép buộc hay khiến phụ huynh hiểu lầm, nhưng phụ huynh cứ tự nghĩ rằng phải cho con đi học thêm nếu thầy cô mở lớp. Hiện nay ở các thành phố, việc dạy thêm, học thêm còn bị biến tướng như việc trông trẻ ngoài giờ. Phụ huynh xác định đó là hình thức trông giữ con nhưng vẫn đòi hỏi phải có sự biến đổi về chất, về lượng như dạy thêm, học thêm. Như vậy rất khó để đánh giá”, bà nói.
Nhà giáo dục bày tỏ mong muốn các chủ thể tham gia chính vào vấn đề này là giáo viên và học sinh cần giữ được sự cân bằng cho chính mình. “Đó là cân bằng học tập cho học sinh và cân bằng lao động cho giáo viên. Như vậy mới tránh được sự tràn lan trong dạy học thêm, giữ được sức khỏe, ý chí và đạt được mục tiêu của cả hai bên. Nếu để việc dạy thêm, học thêm tràn lan, chính giáo viên có thể mắc sai lầm, còn học sinh không thu được lợi ích”.
Nguồn: Vietnamnet